I. KHÁI QUÁT VỀ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG CỦA XÃ: Đoàn Thượng là một xã nằm ở phía Nam của huyện Gia Lộc cách thị trấn Gia Lộc khoảng 5 km. Phía Bắc giáp xã Toàn Thắng, phía Nam giáp xã Đồng Quang, Đức Xương. Phía Đông giáp xã Hồng Hưng. Phía Tây giáp xã Lê Lợi, xã Phạm Trấn. Xã có sông Đĩnh Đào bao quanh phía Đông, phía Nam và một phần phía Tây và đường 38B chạy qua. Phía Đông là diện tích thôn Đĩnh Đào, thôn Cáy, thôn Tháng. Phía Tây là diện tích thôn Thung Độ, Thôn Đươi, Thôn Lúa. Trải qua biết bao biến động của lịch sử, địa danh địa giới và đơn vị hành chính của xã Đoàn Thượng cũng có nhiều thay đổi. Đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX xã có bốn xã: Thung Du, Thung Độ, Đĩnh Đào và Hoàng Du thuộc tổng Đoàn Bái, phủ Gia Phúc, Tỉnh Hải Dương (Thung Du gồm Thôn Kim Lũ, Ngọc Đới nay là Thôn Lúa, Thôn Đươi. Thung Độ gồm Thôn Hống, Thôn Miễu nay là Thôn Thung Độ. Đĩnh Đào gồm Thôn Đầu, Thôn Nghè nay là Thôn Đĩnh Đào. Hoàng Du gồm Thôn Ngọc Cái, Thôn Nguyệt Phú nay là Thôn Cáy, Thôn Tháng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 06/1/1946 tổng tuyển cử. lần đầu tiên cử tri cả nước đi bầu cử bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta. Cũng vào thời gian này ngày 16/6/1946, Uỷ Ban khoá 1 họp tại Đình làng Nghè đã quyết định 4 xã cũ sát nhập làm một lấy tên là xã Đoàn Thượng - tên của một người con quê hương cuối thời Lý (Lý Chiêu Hoàng - 1225) đó là Danh Tướng Đoàn Thượng. Đền thờ của Ngài được nhân dân địa phương lập nên bên cạnh đường quốc lộ 38B thường gọi là Mả Vua hay Đống Rùa. Ngày nay Đền đã được tôn tạo khang trang.
Đền thờ Danh tướng Đoàn Thượng Đền thờ Danh tướng Đoàn Thượng trên quê hương Đoàn Thượng đã được nhân dân và họ Đoàn toàn quốc đã trùng tu, tôn tạo lại năm 2004. Công trình hiện nay khang trang, đẹp đẽ. Năm 1946, Dân số có 510 hộ, 2.172 nhân khẩu (7 hộ là công giáo) 22 hộ địa chủ, 18 hộ phú nông, 4 hộ tiểu thương còn lại là trung bần cố nông, từ 18 tuổi trở lên có 1125 ngời. Qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã có 159 liệt sĩ, 92 thương, bệnh binh, 18 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày nay Xã Đoàn Thượng có 6 thôn: Thôn Lúa, Thôn Đươi, Thung Độ, Đĩnh Đào, Thôn Cáy và thôn Tháng, xã có 1994 hộ, dân số 6.259 người. Diện tích đất tự nhiên là 556,2 ha, diện tích canh tác là 326,37ha, diện tích nuôi trồng thủy sản là 66,79ha. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 là 78.000.000đồng/năm. II. CÁC THÔN, LÀNG CỦA XÃ ĐOÀN THƯỢNG: 1. Làng Lúa
Cổng làng Lúa Xưa làng có tên chữ là Kim Lũ, tên nôm gọi là làng Lúa, thuộc tổng Đoàn Bái, huyện Gia Lộc. Sau cách mạng tháng Tám đến nay làng có tên là làng Lúa, thuộc xã Đoàn Thượng. Làng có 12 dòng họ chung sống thuận hoà, đoàn kết từ xưa đến nay. Xưa kia đình làng thờ thành Hoàng hiệu là Đông Hải Đại Vương, huý là Đoàn Thượng. Lễ hội truyền thống của làng được tổ chức vào các ngày tiết trong năm. Làng có tục kiêng hèm huý, khi đọc, khi nói thì chữ "Thượng" phải gọi chệch đi là chữ "Thạng". Qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc, làng đã có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến. Làng có 15 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sỹ, 9 người là thương binh. Năm 2022 làng đã xây dựng bản quy ước gồm 5 chương 43 điều. Qua đó, hàng năm Quy ước của làng đã được bổ sung, chỉnh sửa từng bước hoàn thiện theo thực tế của từng giai đoạn, nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định tại địa phương. Trong những năm gần đây, hàng năm thôn đều giữ vững danh hiệu làng văn hóa và làng an toàn về an ninh trật tự. 2. Làng Đươi.
Cổng làng Đươi Xưa kia làng có tên gọi Ngọc Đới, tên nôm là làng Đươi, thuộc xã Thung Du, tổng Đoàn Bái, huyện Gia Lộc. Từ sau cách mạng Tháng Tám đến nay làng thuộc xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc. Làng có 17 dòng họ sống đoàn kết, quần tụ bên nhau cùng xây dựng quê hương giầu mạnh. Xưa làng có ngôi Đình thờ thành Hoàng làng hiệu Đông Hải Đại Vương, huý là Đoàn Thượng. Lễ hội làng hàng năm được tổ chức vào các tiết trong năm. Khi xưa, làng Đươi chỉ có lệ giao hiếu với hai làng Thung Độ, Đĩnh Đào khi trời làm hạn hán, 3 xã rước thành hoàng ra Lang Thanh là lăng phát tích làm lễ rồi rước về đình Thung Độ cầu vũ gọi là hội Dảo. Làng có tục kiêng hèm huý, khi đọc, khi nói chữ "Thượng" phải gọi chệch đi là chữ "Thạng". Ngay từ những năm 1936, làng đã xây dựng được bản Hương ước gồm 2 phần với 105 điều làm quy tắc xử sự chung cho người dân. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, làng đã có hàng trăm người tham gia cách mạng, có 38 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sỹ, 22 người là thương binh, 5 bà Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Làng đã xây dựng được bản quy ước gồm 5 chương, 43 điều. Năm 2022 làng đã được công nhận danh hiệu làng văn hoá. Qua đó, hàng năm Quy ước của làng đã được bổ sung, chỉnh sửa từng bước hoàn thiện theo thực tế của từng giai đoạn, nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định tại địa phương. Trong những năm gần đây, hàng năm thôn đều giữ vững danh hiệu làng văn hóa và làng an toàn về an ninh trật tự. 3. Làng Thung Độ. Làng Thung Độ ngày nay do thôn Đò và thôn Miễu hợp thành. Theo thần phả để lại, Thung Độ xưa kia còn có tên gọi là làng Tùng Du thuộc tổng Đoàn Bái huyện Gia Lộc. Từ sau cách mạng Tháng Tám đến nay Thung Độ thuộc xã Đoàn Thượng. Không có tài liệu, sử sách gì về sự tích Thành hoàng làng, lễ hội. Làng có 22 dòng họ sống đoàn kết đùm bọc bên nhau. Năm 1936 làng đã xây dựng bản Hương ước gồm 2 phần với 105 điều làm quy tắc xử sự chung cho người dân. Nhân dân Thung Độ có truyền thống yêu nước, dũng cảm, kiên cường. Trong các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, Thung Độ có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân du kích, dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong...Làng có 28 người con ưu tú đã hy sinh và được suy tôn là liệt sĩ, 13 người là thương binh, có 3 bà mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Những năm vừa qua nhân dân trong làng đã đóng góp xây dựng trùng tu, tôn tạo các công trình phúc lợi như: đình, chùa, nhà trẻ, mẫu giáo... Năm 2022 làng đã xây dựng được bản Quy ước gồm 5 chương 43 điều. Qua đó, hàng năm Quy ước của làng đã được bổ sung, chỉnh sửa từng bước hoàn thiện theo thực tế của từng giai đoạn, nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định tại địa phương. Trong những năm gần đây, hàng năm thôn đều giữ vững danh hiệu làng văn hóa và làng an toàn về an ninh trật tự. 4. Làng Đĩnh Đào. Nhà văn hóa thôn Đĩnh Đào Làng có tên chữ là Đĩnh Đào, tên nôm là làng Dầu thuộc tổng Đoàn Bái, huyện Gia Lộc. Sau cách mạng tháng Tám đến nay, làng vẫn giữ nguyên tên cổ, thuộc xã Đoàn Thượng. Làng có 18 dòng họ chung sống thuận hoà, đoàn kết từ xưa đến nay. Thành hoàng làng không có tên, hiệu, huý gọi ngài là Đoàn Hoà. Theo truyền khẩu: Sự tích ngài là em trai Đức Hoàng Thượng, khi Đoàn Thượng chống lại nhà Trần để phục hưng nhà Lý, ngài là tuỳ tướng cùng chống lại nhà Trần. Ngày hoá và hiển thánh là ngày 25 tháng 9 âm lịch. Lễ hội truyền thống của làng được tổ chức hàng năm vào ngày hoá của ngài. Qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc, làng đã có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến... Trong đó đã có 20 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sỹ, 16 người là thương binh. 1 bà Mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2022 làng đã xây dựng bản quy ước gồm 5 chương 40 điều. Qua đó, hàng năm Quy ước của làng đã được bổ sung, chỉnh sửa từng bước hoàn thiện theo thực tế của từng giai đoạn, nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định tại địa phương. Trong những năm gần đây, hàng năm thôn đều giữ vững danh hiệu làng văn hóa và làng an toàn về an ninh trật tự. 5. Làng Cáy.
Quang cảnh Giếng Đình làng Cáy Xưa kia, làng có tên chữ là Ngọc Cái, tên nôm là làng Cáy thuộc xã Hoàng Du, tổng Đoàn Bái, huyện Gia Lộc. Sau cách mạng Tháng Tám đến nay gọi là làng Cáy thuộc xã Đoàn Thượng. Làng có 23 dòng họ đã đoàn kết, chung sống bên nhau từ lâu đời. Thành hoàng làng huý là Thiên Phúc Tôn Thần ngài là thiên thần. Sự tích về ngài không có bia, sách, truyền tụng gì. Lễ hội làng được tổ chức vào các ngày tiết trong năm. Ngày nay, trong sự nghiệp cách mạng, nhân dân làng Cáy một lòng theo Đảng. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, làng đã có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến... làng có 24 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh và được suy tôn là liệt sĩ, 20 người là thương binh. 3 bà Mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Làng đã xây dựng được bản Quy ước với 5 chương 43 điều để nhân dân trong làng cùng nhau thực hiện. Qua đó, hàng năm Quy ước của làng đã được bổ sung, chỉnh sửa từng bước hoàn thiện theo thực tế của từng giai đoạn, nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định tại địa phương. Trong những năm gần đây, hàng năm thôn đều giữ vững danh hiệu làng văn hóa và làng an toàn về an ninh trật tự. 6. Làng Tháng.
Quang cảnh làng Tháng Xưa làng có tên gọi là Nguyệt Phú, thuộc xã Hoàng Du, tổng Đoàn Bái, huyện Gia Lộc. Nay làng Tháng thuộc xã Đoàn Thượng. Làng có 19 dòng họ sống đoàn kết, quần tụ bên nhau xây dựng mảnh đất quê hương. Xưa làng có đình thờ thành hoàng, tên huý là Hoang Lang. Sự tích, theo truyền tụng Ngài là con vua Thuỷ Tề giáng sinh làm con vua Lý Thái Tôn có công dẹp giặc Lại Vĩnh. Ngài sinh ngày 10 tháng 3, hoá ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội hàng năm của làng tổ chức vào ngày sinh nhật và ngày hoá nhật. Xưa làng có tục giao hiếu với xã Đôn Thư thuộc tổng Hậu Bổng. Năm 1936, làng đã xây dựng bản Hương ước gồm 2 phần với 105 điều làm quy tắc xử sự chung cho người dân trong làng. Người dân làng Tháng có truyền thống yêu nước, dũng cảm kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù trong lao động sản xuất. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, làng đã có hàng trăm người tham gia bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến…Có 37 người con ưu tú đã anh dũng hi sinh và được suy tôn là liệt sỹ, 16 người là thương bệnh binh, có 6 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2022 làng đã xây dựng được Quy ước gồm 5 chương, 39 điều. Qua đó, hàng năm Quy ước của làng đã được bổ sung, chỉnh sửa từng bước hoàn thiện theo thực tế của từng giai đoạn, nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định tại địa phương. Trong những năm gần đây, hàng năm thôn đều giữ vững danh hiệu làng văn hóa và làng an toàn về an ninh trật tự. |